Những vấn đề quan trọng cần lưu ý khi thành lập công ty
Tên doanh nghiệp
Tên doanh nghiệp phải được viết bằng Tiếng Việt, có thể bao gồm ký hiệu và chữ số, phát âm được và phải có hai thành tố: “Loại hình doanh nghiệp” + “Tên riêng”
- Loại hình doanh nghiệp được viết là:
+ “Công ty Trách nhiệm hữu hạn” hoặc “Công ty TNHH” Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn;
+ “Công ty Cổ phần” hoặc “Công ty CP” đối với Công ty Cổ phần;
+ “Công ty Hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh;
+ “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.
- Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
Ví dụ: CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ TƯ VẤN VÀ QUẢN LÝ SAO VÀNG
- Loại hình doanh nghiệp là: “CÔNG TY TNHH”
- Tên riêng là: “DỊCH VỤ TƯ VẤN VÀ QUẢN LÝ SAO VÀNG”
Tên doanh nghiệp không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của các doanh nghiệp đã đăng ký trước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Vì vậy, trước khi đăng ký, doanh nghiệp nên dự kiến một vài tên khác nhau, sau đó tra cứu trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp xem tên của mình có bị trùng với các doanh nghiệp khác hay không, tránh trường hợp bị Phòng đăng ký kinh doanh từ chối hồ sơ.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể đặt thêm tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài hoặc tên viết tắt, trong đó:
- Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh (ví dụ như Tên Tiếng Anh, tiếng Pháp, Nga,…)
- Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.
Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp
Địa chỉ trụ sở doanh nghiệp bao gồm 4 cấp là: “Số nhà, ngách, hẻm, ngõ, đường phố/tổ/xóm/ấp/thôn” + “Xã/Phường/Thị trấn” + “Quận/Huyện/Thị xã/Thành phố thuộc tỉnh” + “Tỉnh/Thành phố”
Bên cạnh đó, Doanh nghiệp còn phải lưu ý một số quy định về địa chỉ công ty như sau:
- Thứ nhất, Luật nhà ở quy định doanh nghiệp không được đặt địa chỉ tại chung cư, nhà tập thể vì vậy trước khi đăng ký, nếu doanh nghiệp có ý định đăng ký địa chỉ công ty tại một tòa nhà thì cần xem xét liệu tòa nhà đó có chức năng thương mại/làm văn phòng hay không.
- Thứ hai, nếu doanh nghiệp có dự định đăng ký các ngành nghề sản xuất, chế biến, nuôi trồng và tiến hành các hoạt động đó tại địa chỉ công ty thì doanh nghiệp không được đặt trụ sở chính tại khu dân cư, trung tâm thành phố mà chỉ đặt ở các vùng lân cận, xa khu dân cư.
Vốn điều lệ của doanh nghiệp
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
Pháp luật doanh nghiệp không quy định về mức vốn điều lệ tối đa hoặc tối thiểu mà doanh nghiệp phải đăng ký khi thành lập doanh nghiệp.
Vì vậy, doanh nghiệp có thể căn cứ vào tình hình thực tế của mình, số lượng thành viên góp vốn trong công ty cũng như là nhu cầu hoạt động sản xuất – kinh doanh trong tương lai để tiến hành đăng ký mức vốn điều lệ cho phù hợp. Cũng cần phải lưu ý, nếu mức vốn điều lệ quá thấp thì khó có thể gây được sự tin tưởng ở khách hàng, đối tác, hoặc mức vốn điều lệ quá cao thì mức rủi ro đối với chủ sở hữu /các thành viên, cổ đông góp vốn của Công ty cũng cao hơn.
Bên cạnh đó, Vốn điều lệ còn là căn cứ để áp mức thuế môn bài cho doanh nghiệp, cụ thể:
- Vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng (Bậc 1), mức thuế môn bài là 3.000.000đ/năm;
- Vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống (Bậc 2), mức thuế môn bài là 2.000.000đ/năm;
- Đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì áp dụng mức thuế môn bài bậc 3 là 1.000.000đ/năm.
Xác định loại hình doanh nghiệp cần đăng ký
Luật doanh nghiệp quy định có tổng cộng 05 loại hình doanh nghiệp khác nhau. Doanh nghiệp có thể căn cứ vào số lượng thành viên góp vốn của mình để lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp. cụ thể như sau:
- Doanh nghiệp tư nhân: Do 1 cá nhân làm chủ, chịu trách nhiệm vô hạn bằng chính tài sản cá nhân của mình cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty (Loại hình này thường ít được lựa chọn do mức độ rủi ro về trách nhiệm pháp lý khá cao)
- Công ty TNHH một thành viên: do 1 cá nhân hoặc 1 tổ chức làm chủ sở hữu, chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
- Công ty TNHH hai thành viên trở lên: có từ 02 đến 50 thành viên góp vốn, thành viên có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
- Công ty Cổ phần: có từ 03 cá nhân hoặc tổ chức trở lên và không giới hạn số lượng cổ đông. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp
- Công ty Hợp danh: có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung gọi là thành viên hợp danh, ngoài ra có thể có thêm các thành viên góp vốn vào công ty. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty; Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những ưu và nhược điểm nhất định, các bạn có thể xem xét và lựa chọn cho mình một loại hình doanh nghiệp phù hợp
Ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp
Ngành nghề kinh doanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là mã ngành cấp 4 (4 số) trong hệ thống ngành nghề Việt Nam được Thủ tướng chính phủ ban hành trong Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 07 năm 2018.
Khi đăng ký ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp cần lưu ý:
- Doanh nghiệp không được đăng ký kinh doanh các ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật (Điều 6 Luật Đầu tư 2020)
- Doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật trước khi đăng ký các ngành nghề kinh doanh có điều kiện (doanh nghiệp có thể tra cứu danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại phụ lục IV Luật đầu tư 2020)
Hồ sơ thành lập doanh nghiệp
Hồ sơ thành lập doanh nghiệp bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu quy định được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 03 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư);
- Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty hợp danh; Danh sách Cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần.
- Bản sao có chứng thực giấy tờ pháp lý đối với chủ sở hữu/thành viên/cổ đông công ty là cá nhân (CMND/CCCD/ hộ chiếu,…); Bản sao có chứng thực giấy tờ pháp lý đối với chủ sở hữu/thành viên/cổ đông công ty là tổ chức (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, …)
- Giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (nếu có)
- Giấy ủy quyền cho cá nhân nộp hồ sơ và bản sao có chứng thực giấy tờ pháp lý của cá nhân đó (CMND/CCCD/ hộ chiếu,…) trong trường hợp người nộp hồ sơ không phải đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Một số vấn đề cần lưu ý sau khi thành lập công ty
- Làm con dấu cho công ty;
- Mở tài khoản ngân hàng và thông báo tài khoản ngân hàng với chi cục thuế quản lý doanh nghiệp;
- Khắc bảng hiệu và treo bảng hiệu tại địa chỉ trụ sở công ty;
- Nộp hồ sơ khai thuế ban đầu lên chi cục thuế quản lý doanh nghiệp;
- Báo cáo thuế hằng tháng/quý;
- Báo cáo tài chính mỗi năm một lần;
- Báo cáo tình hình sử dụng lao động định kỳ 6 tháng/lần;
- Về thuế môn bài: doanh nghiệp thành lập từ ngày 25/02/2020 sẽ được miễn lệ phí môn bài năm đầu tiên hoạt động.
Trên đây là một số vấn đề pháp lý mà bạn nên biết khi thành lập một doanh nghiệp tại Việt Nam. Nếu còn thắc mắc gì, vui lòng liên hệ chúng tôi để được giải đáp cụ thể tại www.dichvusaovang.vn
Lê Huyền – Phòng pháp lý
1 2 3 4 5 | |
Gởi Huỷ |