Cách tính thuế thu nhập cá nhân và các khoản giảm trừ thuế thu nhập cá nhân
Thuế thu nhập cá nhân là khoản tiền mà cá nhân có thu nhập phải trích nộp một phần từ tiền lương, tiền công hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã được giảm trừ. Vậy làm thế nào để tính được thuế thu nhập cá nhân và đâu là các khoản được giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân, bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn một cái nhìn chi tiết và rõ ràng về lĩnh vực này.
A.ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
Để tính được khoản thuế thu nhập cá nhân cần phải nộp, trước hết bạn cần phải xác định được đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú hay cá nhân không cư trú
1. Cá nhân cư trú phải đáp ứng một trong các điều kiện dưới đây:
❖ Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
❖ Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:
- Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú:
+ Đối với công dân Việt Nam: là nơi ở thường xuyên đã đăng ký thường trú
+ Đối với người nước ngoài: là nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp. - Có nhà thuê để ở tại Việt Nam (bao gồm cả trường hợp ở khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, ở nơi làm việc, trụ sở cơ quan,…) với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên
- Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú:
2. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng những điều kiện trên.
B. CÁCH TÍNH THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
I.XÁC ĐỊNH THU NHẬP CHỊU THUẾ
- Đối với cá nhân cư trú: thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
- Đối với cá nhân không cư trú: thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
II. CÁCH TÍNH THUẾ TNCN ĐỐI VỚI CÁ NHÂN CƯ TRÚ CÓ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG DÀI HẠN (TỪ 3 THÁNG TRỞ LÊN)
CÔNG THỨC TÍNH THUẾ TNCN PHẢI NỘP:
Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế X thuế xuất, trong đó:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – các khoản giảm trừ
1. Thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – các khoản được miễn thuế
Trong đó, các khoản được miễn thuế bao gồm:
❖ Tiền ăn giữa ca, ăn trưa: kể từ tháng 10/2016, chi phí này được miễn tối đa 730.000đ/người/tháng (theo Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ngày 15/10/2016).
Có nghĩa là: Nếu doanh nghiệp chi tiền trợ cấp ăn giữa ca, ăn trưa hằng tháng cho nhân viên của mình ở mức từ 730.000đ trở xuống thì chi phí này sẽ không phải tính vào thu nhập chịu thuế. Trường hợp mức hỗ trợ của doanh nghiệp cao hơn 730.000đ thì nhân viên chỉ được miễn tối đa 730.000đ, phần chênh lệch sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế của nhân viên.
❖ Phụ cấp trang phục:
- Nếu là hiện vật thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN
- Nếu là chi bằng tiền thì không vượt quá 5.000.000 đồng/người/năm. Trường hợp vượt quá thì mức chênh lệch sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN
❖ Tiền điện thoại, công tác phí: hiện nay trong các văn bản pháp luật về thuế TNCN chưa có quy định về mức chi cụ thể mà khoản chi phí này sẽ được quy định cụ thể về điều kiện hưởng và mức hưởng trong các văn bản như hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế lương thưởng của công ty,… (trường hợp khoản chi vượt quá mức quy định thì phần chênh lệnh sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN)
❖ Phụ cấp nhà ở: khoản tiền thuê nhà được tổ chức trả thay cho nhân viên không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà, điện, nước và các dịch vụ khác).
Ví dụ: Nhân viên A của công ty Sao Vàng có tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà) là 8.000.000đ và công ty hỗ trợ trả thay tiền thuê nhà 2.000.000đ/tháng thì:
+ Số tiền tính vào thu nhập chịu thuế là: 8.000.000 x 15% = 1.200.000đ
+ Số còn lại được miễn là: 2.000.000 – 1.200.000 = 800.000đ
❖ Tiền làm thêm giờ, làm ban đêm: Phần chênh lệch tiền lương, tiền công do làm ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm ban ngày và làm trong giờ theo quy định sẽ được miễn thuế
Ví dụ: nhân viên B có mức lương trả theo ngày làm việc bình thường là 30.000đ/giờ:
+ Trường hợp Nhân viên B làm thêm giờ vào ngày thường, được trả 45.000đ/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:
45.000 – 30.000 = 15.000 đồng/giờ
+ Trường hợp Nhân viên B làm việc vào ngày nghỉ, ngày lễ tết, được trả 90.000đ/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:
90.000 – 30.000 = 60.000 đồng/giờ
❖ Khoản tiền đám hiếu, hỉ: Tổng số tiền chi có tính chất phúc lợi này không quá 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của công ty (trường hợp vượt quá thì phần chênh lệch được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN)
❖ Ngoài ra còn một số khoản miễn thuế khác như:
- Tiền mua bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử kỳ,…: Trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động các sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm thì khoản tiền mua sản phẩm bảo hiểm này không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN
- Tiền mua vé máy bay khứ hồi cho người nước ngoài làm việc tại việt nam hoặc người việt nam làm việc tại nước ngoài về phép mỗi năm 1 lần sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN
2. Các khoản giảm trừ
Giảm trừ gia cảnh
- Đối với cá nhân người nộp thuế là 11.000.000 đồng/tháng
- Đối với mỗi người phụ thuộc là 4.400.000 đồng/tháng (phải đăng ký người phụ thuộc và được cấp mã số thuế người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh)
- Người phụ thuộc bao gồm:
+ Con dưới 18 tuổi hoặc trên 18 tuổi nhưng đang theo học tại các bậc phổ thông, đại học, cao đẳng tại Việt Nam hoặc nước ngoài không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân không quá 1.000.000 đồng/tháng
+ Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động
+ Vợ/chồng, cha, mẹ; Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng như: anh/chị/em ruột, ông/bà ruột, cô/dì/cậu/chú/bác ruột, cháu ruột,…
Đối với người trong độ tuổi lao động: Bị khuyết tật, không có khả năng lao động, không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân không vượt quá 1.000.000 đồng/tháng
Đối với người ngoài độ tuổi lao động: không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân không vượt quá 1.000.000 đồng/tháng
Các khoản BHXH bắt buộc bao gồm: bảo hiểm xã hội (8%), bảo hiểm y tế (1.5%), bảo hiểm thất nghiệp (1%) được trừ vào lương của người lao động
Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học
3. Thuế suất thuế thu nhập cá nhân
Áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần, cụ thể như sau:
Bậc | Thu nhập tính thuế /tháng | Thuế suất | Tính số thuế phải nộp | |
Cách 1 | Cách 2 | |||
1 | Đến 5 triệu đồng (trđ) | 5% | 0 trđ + 5% TNTT | 5% TNTT |
2 | Trên 5 trđ đến 10 trđ | 10% | 0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ | 10% TNTT – 0,25 trđ |
3 | Trên 10 trđ đến 18 trđ | 15% | 0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ | 15% TNTT – 0,75 trđ |
4 | Trên 18 trđ đến 32 trđ | 20% | 1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ | 20% TNTT – 1,65 trđ |
5 | Trên 32 trđ đến 52 trđ | 25% | 4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ | 25% TNTT – 3,25 trđ |
6 | Trên 52 trđ đến 80 trđ | 30% | 9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ | 30 % TNTT – 5,85 trđ |
7 | Trên 80 trđ | 35% | 18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ | 35% TNTT – 9,85 trđ |
Ví dụ minh họa: Chị Thúy làm việc tại Kế toán Sao Vàng, tháng 10/2021, chị nhận được các khoản thu nhập sau:
– Lương chính theo tháng: 25.000.000 đồng
– Tiền phụ cấp ăn trưa: 800.000 đồng
– Phụ cấp đi lại, xăng xe: 1.000.000 đồng
– Các khoản BHXH phải nộp: 25.000.000 x (8% + 1.5% + 1%) = 2.625.000 đồng
– Đăng ký người phụ thuộc: 2 con
Cách tính thuế thu nhập cá nhân phải nộp của Chị Thúy tháng 10/2021 như sau:
Bước 1: Tính thu nhập chịu thuế của Chị Thúy
Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – các khoản được miễn thuế
– Tổng thu nhập = 25.000.000 + 800.000 + 1.000.000 = 26.800.000 đồng
– Các khoản được miễn thuế: 730.000 đồng (phụ cấp ăn trưa)
»Thu nhập chịu thuế của chị Thúy = 26.800.000 – 730.000 = 26.070.000 đồng
Bước 2: Các khoản giảm trừ của chị Thúy
– Giảm trừ bản thân: 11.000.000
– Giảm trừ người phụ thuộc (2 con): 4.400.000 x 2 = 8.800.000 đồng
– Giảm trừ BHXH: 2.625.000 đồng
»Tổng các khoản giảm trừ: 11.000.000 + 8.800.000 + 2.625.000 = 22.425.000đ
Bước 3: Tính thu nhập tính thuế của Chị Thúy
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – các khoản giảm trừ
= 26.070.000 – 22.425.000 = 3.645.000 đồng
»Vậy thu nhập của Chị Thúy là thuộc Bậc 1 (đến 5 triệu đồng)
Bước 4: Sau khi tính được Thu nhập tính thuế của Chị Thúy, ta áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần để tính số thuế TNCN mà Chị Thúy phải nộp, cụ thể như sau:
Áp dụng công thức tính thuế TNCN ở bậc 1, ta có:
Số thuế TNCN phải nộp | = 5% TNTT |
= 5% x Thu nhập tính thuế | |
= 5% x 3.645.000 = 182.250 đồng |
Vậy Số thuế TNCN mà chị Thúy phải nộp vào tháng 10/2021 là 182.250 đồng
III. CÁCH TÍNH THUẾ TNCN ĐỐI VỚI CÁ NHÂN CƯ TRÚ CÓ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG DƯỚI 3 THÁNG HOẶC KHÔNG CÓ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2.000.000 đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
Ví dụ: Chị Tuyến ký hợp đồng thời vụ 2 tháng với Sao Vàng, mỗi tháng chị được trả thu nhập 2.000.000 đồng và phụ cấp tiền ăn trưa là 300.000đ.
- Thu nhập tính thuế của Chị Tuyến = 2.000.000 + 300.000 = 2.300.000đ
- Số tiền thuế TNCN chị Tuyến phải nộp = 2.300.000 x 10% = 230.000đ
»Tiền lương thực nhận hằng tháng của Chị Tuyến là: 2.300.000 – 230.000 = 2.070.000đ
IV. CÁCH TÍNH THUẾ TNCN ĐỐI VỚI CÁ NHÂN KHÔNG CƯ TRÚ
Công thức: Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập chịu thuế x 20%
Thu nhập chịu thuế là tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công mà cá nhân không cư trú nhận được tại Việt Nam
Ví dụ: Ông John có thu nhập tại công ty A như sau:
- Lương cơ bản: 20.000.000 đồng
- Phụ cấp đi lại, chỗ ở, ăn uống: 5.000.000 đồng
»Số tiền Thuế TNCN ông John phải nộp = (20.000.000 + 5.000.000) * 20%
= 6.250.000 đồng
LƯU Ý: Đối với cá nhân có thu nhập từ 2 nơi khác nhau thì tính Số tiền thuế TNCN phải nộp ở từng nơi theo từng loại hợp đồng lao động với công thức như trên.
Sau đó cộng lại thành tổng số thuế TNCN mà người đó phải nộp trong một tháng. (Trong đó cá nhân cư trú có thu nhập từ nhiều nơi thì chỉ được giảm trừ bản thân tại 1 nơi, giảm trừ người phụ thuộc thì đăng ký qua tổ chức chi trả thu nhập muốn tính giảm trừ.)
Trên đây là một số thông tin chi tiết về cách tính thuế thu nhập cá nhân và các khoản giảm trừ thuế thu nhập cá nhân mà kế toán Sao Vàng muốn gửi đến các bạn. Chúc các bạn làm việc hiệu quả và thành công.
Lê Huyền – Phòng pháp lý
1 2 3 4 5 | |
Gởi Huỷ |