fbpx

Doanh nghiệp có thể góp vốn bằng những loại tài sản nào

Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập. Vậy tài sản góp vốn bao gồm những gì? Và những điều cần lưu ý khi chuyển nhượng và định giá tài sản góp vốn là gì? Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu tới các bạn bài viết sau đây.

  1. Các loại tài sản góp vốn

Tài sản góp vốn của doanh nghiệp bao gồm: Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. 

Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với các tài sản nêu trên mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.

 

  1. Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn

Trừ loại hình doanh nghiệp tư nhân, các Cá nhân, tổ chức khi góp vốn vào Công ty TNHH, Công ty Hợp danh và Công ty cổ phần phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho Công ty, cụ thể như sau:

a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu (như là nhà ở, xe hơi, tàu bay, phương tiện đường thủy nội địa,…) hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;

Thủ tục thực hiện góp vốn đối với loại tài sản này:

    • Lập biên bản họp hội đồng thành viên để định giá tài sản
    • Lập biên bản tài sản góp vốn của thành viên đó
    • Đến cơ quan thuế để làm tờ khai lệ phí trước bạ (mặc dù thủ tục này không phải nộp lệ phí trước bạ nhưng vẫn phải đến cơ quan thuế để kê khai)
    • Thực hiện thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng đất cho Công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản.

Biên bản giao nhận tài sản góp vốn phải bao gồm các nội dụng sau:

    • Tên, địa chỉ trụ sở chính của Công ty;
    • Họ, tên, địa chỉ liên lạc, số giấy tờ pháp lý của cá nhân (thẻ Căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác), số giấy tờ pháp lý của tổ chức của người góp vốn (Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tài liệu tương đương khác);
    • Loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty;
    • Ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc người đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty.

c) Lưu ý: 

    • Việc góp vốn chỉ được xem là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.
    • Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.
    • Việc thanh toán đối với các hoạt động mua, bán, chuyển nhượng cổ phần và phần vốn góp, nhận cổ tức và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài đều phải được thực hiện thông qua tài khoản vốn của nhà đầu tư đó mở tại ngân hàng ở Việt Nam, trừ trường hợp thanh toán bằng tài sản và hình thức khác không bằng tiền mặt.

 

  1. Định giá tài sản góp vốn

Đối với các loại tài sản góp vốn không phải là đồng Việt Nam ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.

3.1 Trường hợp Góp vốn khi thành lập doanh nghiệp

Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí, đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp do tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị của tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.

Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng nhau góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời phải cùng chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

3.2 Trường hợp Góp vốn trong quá trình hoạt động

Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu Công ty TNHH một thành viên, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được cả doanh nghiệp và người góp vốn đồng ý.

Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu Công ty TNHH một thành viên, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần phải cùng nhau góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời cùng chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

 

Trên đây là những Quy định mới nhất về tài sản góp vốn của doanh nghiệp. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ dichvusaovang.vn để được giải đáp cụ thể.

 

Lê Huyền – Phòng pháp lý

GỌI NGAY

1
2
3
4
5
Gởi
     
Huỷ

Tạo một đánh giá mới

Dịch vụ Sao vàng

Đánh giá chất lượng

0 đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận